Shaun The Sheep


Shaun The Sheep, đằng sau những phép màu

Hình ảnh chú cừu Shaun thông minh trong series phim hoạt hình "Shaun The Sheep" làm theo công nghệ stop-motion đã không còn xa lạ với nhiều người. Cùng Kênh 14 xem các nhà làm phim đã "khổ sở" thế nào để làm ra bộ phim hài này nhé.
Shaun the Sheep lần đầu xuất hiện trên sóng truyền hình là vào năm 1995 trong bộ phim A Close Shavecùng với nhân vật Wallace và chú chó Gromit. Tuy chỉ lộ mặt đúng bốn phút nhưng cừu Shaun kháu khỉnh đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của công chúng Anh. Và cũng từ đó, Shaun đã có hẳn cho mình một TV show riêng trên đài BBC do studio Aardman sản xuất.


40 tập phim của Shaun the Sheep là những cuộc phiêu lưu, nghịch phá, rong đuổi của Shaun và đàn cừu trên đồng cỏ của nông trại. Do sở hữu lượng IQ cao hơn cả người thường và bộ óc hiếu kỳ của một đứa trẻ lên ba, nên đôi khi, Shaun trở thành kẻ giật dây cho nhiều âm mưu “đập phá” hoành tráng như: đặt bánh pizza, đào hồ bơi, biến kho thóc thành sàn nhảy… Và xuyên suốt hành trình “tội ác” còn có sự đóng góp đáng kể của: Shirley, một cô cừu béo có thể ăn bất cứ thứ gì; Timmy, một bé cừu dễ thương vàBitzer, chú chó chăn cừu rất biết cư xử.


Mỗi tập phim của Shaun the Sheep bắt đầu từ một ý tưởng. Từ ý tưởng này, những nhà biên kịch sẽ ngồi lại, cùng bàn bạc và viết nên một câu chuyện hoàn chỉnh. Rồi quy trình ấy lại chuyền qua tay các họa sĩ, họ sẽ phác họa nội dung lên giấy vẽ để từ đó, những nhà làm phim có thể hiểu được câu chuyện mà thiết kế khung cảnh, động tác, kỹ xảo, bố trí góc máy cho phù hợp.


“Đồng cỏ” của trang trại thực chất là một tấm nỉ được sơn xanh và phủ bóng nhằm tạo chiều sâu. Bên trên nó còn được gắn thêm chi chít những bụi cỏ nhỏ và hoa cúc giả. Sau đó, nó được trải lên một chiếc bàn thép sao cho đủ rộng để các nhà làm phim có thể bố trí linh hoạt máy quay. Cuối cùng, họ sẽ dùng nam châm để cố định cho Shaun và những nhân vật khác. Cây cối, nhà cửa, kho thóc cũng dần dần được sắp xếp trên “đồng cỏ”.




Để đem lại sức sống cho dàn cast dễ thương của Shaun the Sheep, trước hết, những nhà tạo hình phải đúc các chú cừu của mình trong khuôn. Tiếp theo đó, họ bọc phần thân đã được đúc bằng lông cừu thật, gắn thêm bốn bàn chân và cuối cùng là chiếc đầu rất nhẵn. Ngoài đàn cừu có đủ bốn chân, nhà sản xuất còn có thêm một đàn cừu hai chân để phục vụ cho những cảnh quay cần thiết. Nét mặt vui vẻ, giận dữ, buồn chán của từng nhân vật sau đó được các họa sĩ điều chỉnh tùy theo yêu cầu của kịch bản.


Những chuyên viên thiết kế bối cảnh phải tỉ mẩn khâu vá, đóng ghép nên những dụng cụ nhỏ xíu từ chiếc bàn ảo thuật, khăn tắm… cho đến đồ chơi của bé cừu Timmy. Chuyên viên thiết kế Helen Javes tâm sự:“Mọi thứ đều được làm bằng tay nên chúng rất tinh xảo. Thậm chí, bộ chân bàn tí hon cũng được đẽo bằng tay để có kích thước thật chính xác.” Nhưng đừng nghĩ công việc của họ tuy nhỏ mà dễ dàng: đứt da vì dao lam, phỏng tay vì keo nóng là rủi ro hàng ngày mà bộ phận này phải chấp nhận.



Cặp mắt của đàn cừu được khoét những lỗ đủ nhỏ để khán giả không nhận ra và đủ lớn để các họa sĩ có thể dùng một cây kim di chuyển ánh nhìn của chúng lên trên, xuống dưới, sang trái, sang phải. Các nghệ thuật gia tài ba này còn chuẩn bị hẳn cho mình một bộ sưu tầm lông mi cừu để sử dụng cho trường hợp chúng cần chớp mắt, hoa mắt hay nhắm mắt. Bởi vì đàn cừu không hề trò chuyện nên nét mặt của chúng là công cụ biểu lộ cảm xúc duy nhất.


Rất nhiều họa sĩ thiết kế đã bắt tay vào thực hiện seri Shaun the Sheep ngay sau khi hoàn thành bộ phim hoạt hình từng đoạt giải Oscar, Wallace and Gromit: the Curse of the Were-rabbit. Một số nhân vật trong bộ phim này cũng lộ diện liên tục ở Shaun the Sheep dưới vai trò khách mời. Đối với khán giả, đó là một điểm cộng thú vị, nhưng đối với các họa sĩ, đó lại là những chuỗi ngày làm việc không ngừng nghỉ.

Khi hết hạn sử dụng, con cừu, hoặc một bộ phận của con cừu, sẽ được bỏ vào khay và đặt trên dãy kệ nằm sâu dưới hệ thống kho hàng rối rắm của studio Aardman. Tại đây, họa sĩ thiết kế có thể tìm thấy những mẫu chân thừa, thậm chí là một vài lọn lông cừu, cho Shaun.




Chú chó Bitzer là một nhân vật được làm nên từ một chút bộ phận này và một chút bộ phận kia. Sau đó, chú ta được sơn vàng để tạo độ tương phản với đàn cừu. Bitzer chưa bao giờ nằm trong top những nhân vật dễ thiết kế của studio. Chú ta có rất nhiều cảnh hành động nhưng lại thiếu các dáng vẻ cần thiết để thực hiện. Đôi khi, lớp vỏ silicone của Bitzer còn bị nứt ra vì phải liến thoắng thay đổi cử động. Nhiệm vụ củaBitzer là giữ trật tự cho đàn cừu nhưng thi thoảng, chú ta cũng bị lôi vào những trò nghịch phá của Shaun.








Ngoài mấy tiếng “beeee” từ đàn cừu, “gâu… gâu…” từ Bitzer và “hừm…” từ người nông dân, thì Shaun the Sheep là một seri phim tĩnh. Trong khi Wallace and Gromit, bộ phim đồng thể loại, được lồng tiếng cẩn thận thì Shaun the Sheep không nhận được sự xa xỉ đó. Tuy nhiên, lồng tiếng theo nhép miệng của nhân vật là một trong những giai đoạn tốn thời gian nhất của ngành hoạt họa và Shaun the Sheep đốt cháy được quá trình đó.





Những nhân vật trong Shaun the Sheep di chuyển 25 lần mỗi giây. Điều này có nghĩa là họa sĩ thiết kế phải thay đổi bối cảnh 1500 lần mới có được 1 phút phim. Và họ chỉ có thể làm trung bình 7 giây phim mỗi ngày. Nghe đúng là chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nếu ta so sánh với hai bộ phim Wallace and Gromit Chicken Run, ta sẽ thấy đội ngủ sản xuất của Shaun the Sheep làm việc với tốc độ chóng mặt: Wallace and Gromit một ngày làm được 3 giây, còn Chicken Run thì đạt 2 giây một ngày đã được xem là thành công.















Bộ phim Shaun The Sheep hiện vẫn đang được chiếu hàng tuần trên kênh Disney.